Cá lóc (cá tràu, cá quả, cá chuối) là đối tượng nuôi phổ biến ở Đồng Bằng Sông Cửu Long trong vài năm trở lại đây. Cá lóc dễ nuôi, tăng trưởng nhanh và lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên, do mật độ thâm canh cao dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra nhiều, điều kiện nuôi càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, việc nắm rõ một số đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi cá lóc là điều cần thiết.
Đặc điểm sinh học
Cá lóc thích sống vùng nước đục, nhiều rong cỏ. Có thể sống ở các khu vực nước chảy hay các ao tù do có cơ quan hô hấp phụ. Đây là loài cá dữ, ăn động vật như: cá, tôm, nòng nọc, côn trùng… Cá lóc có thể đẻ 5 lần/năm khi đạt 1 – 2 tuổi. Mùa vụ sinh sản từ tháng 4 – 8 nhưng tập trung vào tháng 4 – 5.
Kỹ thuật nuôi cá lóc trong ao đất
Chọn ao và chuẩn bị ao nuôi
- Diện tích trung bình từ 500m2– 1000m2
- Độ sâu mực nước từ 1,2m – 1,5m. Đáy ao nghiêng về cống thoát nước để đảm bảo thoát hết nước trong ao
- Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ. Đỉnh bờ ao cao hơn mực nước từ 0,5m – 0,7m. Xung quanh ao có lưới bao cao khoảng 0,5m. Có hệ thống cấp và thoát nước
- Tát cạn ao, vét bùn đáy, diệt cá tạp. Xử lý vôi CaCO3từ 7 – 10kg/100m2. Phơi ao từ 2 – 3 ngày
- Cấp nước vào ao qua lưới lọc, diệt khuẩn môi trường nước, bón phân gây màu nước. Sau 3 – 5 ngày khi nước có màu xanh đọt chuối thì thả giống.
Thả cá giống
- Chọn cá giống khỏe, kích cỡ đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, không dị tật hay xây xát
- Kích cỡ cá thả từ 300 – 1.000 con/kg. Mật độ thả 10 – 20 con/m2, có thể thả mật độ cao 30 con/m2. Trong khi vận chuyển, cần hạ thấp nhiệt độ để hạn chế tỉ lệ hao hụt
- Trước khi thả cần xử lý muối ăn NaCl 2% (2kg muối ăn/100 lít nước) trong 2 – 3 phút để diệt ký sinh, sát khuẩn cá và loại bỏ cá yếu, cá bị xây xát. Để bao cá xuống nước ao từ 15 – 20 phút mới thả cá ra bên ngoài nhằm để cá thích nghi dần nhiệt độ. Thả cá vào buổi sáng hay chiều mát.
Chăm sóc và quản lý ao nuôi
Có rất nhiều loại thức ăn cho các lóc mà người nuôi có thể sử dụng, tùy vào từng giai đoạn phát triển của cá mà lựa chọn loại thức ăn phù hợp.
- Thức ăn tươi sống: cá biển, cá tạp, tôm, tép, cua, ốc…
- Thức ăn chế biến hay còn gọi là thức ăn công nghiệp có bán trên thị trường với nhiều kích cỡ và chủng loại.
- Cho cá ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát. Khẩu phần như sau:
- Cá < 10g: cho ăn từ 10 – 12% khối lượng thân
- Cá từ 11 – 100g: cho ăn 5 – 10% khối lượng thân
- Cá > 100g: cho ăn 3 – 5% khối lượng thân
- Khẩu phần ăn còn phụ thuộc vào từng thời điểm, điều kiện môi trường, thời tiết và tình hình dịch bệnh
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe của cá, theo dõi nhu cầu thức ăn tránh cho ăn quá nhiều hay quá ít. Thay nước hàng ngày khoảng 30% đối với cá lớn, cá nhỏ sau 2 – 3 ngày thì thay nước 1 lần
- Định kỳ bổ sung các loại vitamin, khoáng, men tiêu hóa 10 – 15 ngày/lần nhằm tăng sức đề kháng với mầm bệnh, giảm stress, hấp thu thức ăn tốt hơn và cá đồng cỡ hơn. Sát khuẩn môi trường nước thường xuyên 7 – 10 ngày/lần trong mùa có dịch bệnh hay từ 12 – 15 ngày/lần trong điều kiện bình thường.
Thu hoạch
Sau 4 – 5 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm trung bình từ 500 – 800g.
Kỹ thuật nuôi cá lóc trên bể lót bạt
Mô hình nuôi cá lóc trên bể lót bạt giống với nuôi cá lóc trong ao đất nhưng có vài đặc điểm khác như sau:
- Vị trí đặt bể: gần sông, ao, hồ… nơi thuận tiện cho việc thay nước
- Chi phí lắp bể thấp, dễ làm, tận dụng những nơi trống xung quanh nhà và có thể chuyển đổi qua nuôi các đối tượng khác. Bể xây dựng theo hình chữ nhật, cao 1,2m. Dùng các cây trụ cắm xung quanh, rào bằng bố tre hay đắp đất xung quanh. Trải bạt dưới đáy, rào lưới quanh bể tránh cá nhảy ra ngoài. Đáy bể nghiêng về phía thoát nước, đặt cống thoát sát đáy bể nhằm xả hết chất bẩn và có lưới lọc để tránh cá thất thoát. Mực nước trong bể từ 0,8m – 1m. Có máy bơm nước để việc cấp nước được dễ dàng và nhanh chóng hơn
- Môi trường dễ bị nhiễm bẩn do nuôi mật độ cao(>100 con/m2) do đó cần thay nước hàng ngày từ 70 – 100%. Tỷ lệ hao hụt cao (khoảng 40%) so với nuôi trong ao đất vì môi trường biến động lớn, mật độ cao và bệnh dễ lây lan.