Ốc hương là một loài có giá trị kinh tế cao, được xem là một loại hải sản quý và cao cấp. Cho nên nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi ốc hương với mật độ cao trên quy mô lớn. Tuy nhiên, không chỉ với ốc hương mà vật nuôi nào cũng vậy, luôn có những rủi ro nhất định, phần lớn đều là do dịch bệnh. Và sưng vòi lấy thức ăn là một hiện tượng thường gặp nhất trên loài nhuyễn thể này. Nếu không có cách khắc phục kịp thời thì thiệt hại là rất đáng kể.
Sở dĩ có tên gọi ốc hương là vì ốc luôn tỏa ra một mùi thơm tự nhiên khi sống cũng như khi đã được làm chín. Ốc hương chỉ cần luộc mà không cần thêm bất cứ gia vị gì thì cũng mang lại một mùi hương dễ chịu và thu hút, mùi thơm như lá dứa, ngát như hoa ngâu, cay cay như riềng. Thịt ốc hương lúc nào cũng giòn ngọt, tươi, dai và không bị bở. Thịt ốc lại có hàm lượng dinh dưỡng cao, bổ sung nhiều calo và một số vitamin không thể thiếu cho hoạt động của não và thần kinh.
1. Sưng vòi xảy ra như thế nào?
Không giống như các sinh vật khác trong môi trường nước. Ốc hương có tập tính ăn lọc, hút thức ăn bằng vòi. Khi bệnh, vòi của ốc sẽ sưng to lên, lở loét, làm ốc không thể ăn được. 5-7 ngày sau, ốc kiệt sức, ít vùi đáy ao mà lờ đờ trên mặt nước, không lấy lại được cân bằng, vòi nhả ra nhiều đám nhớt màu trắng, sau đó chết hàng loạt là điều không thể tránh khỏi. Ốc hương là loài ăn rất nhiều, khi cơ quan lấy thức ăn bị sự cố thì ốc hương yếu nhanh và tỷ lệ chết lên tới 100% nếu không được điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân khiến ốc hương bị sưng vòi là gì?
Tập tính thức ăn của ốc hương là các loại mùn bã hữu cơ lắng đọng ở đáy và xác của các loài thủy sản khác, ngoài ra ốc còn rất thích ăn những con thân mềm hay giáp xác nhỏ, nó ăn đến 12% thức ăn một ngày so với trọng lượng của nó. Do tập tính ăn đáy nên môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ốc nuôi. Đáy ao hay đáy bể nuôi là nơi tập trung nhiều mầm bệnh nhất, đó có thể là những loại vi khuẩn gây hại, ký sinh trùng hay nhiều loài nấm. Mà vòi của ốc là bộ phận sẽ tiếp xúc trực tiếp với môi trường nên dễ bị xâm nhiễm và gây sưng tấy. Rất nhiều mầm bệnh có thể gây sưng vòi của ốc. Nên thường là do tác động kép của nhiều tác nhân cùng một lúc. Khi chỉ mới có một loại mầm bệnh tấn công thì cũng đã làm vòi ốc sưng tấy, lở loét. Từ đó tạo cơ hội cho các mầm bệnh tiếp theo tác động đến.
3. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Về cơ bản triệu chứng này là do môi trường gây ra, cộng với tác động kép của nhiều loại mầm bệnh nên phải áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, từ khâu chọn giống, quản lý môi trường đến sức khỏe của ốc nuôi.
Trước hết là khâu chọn con giống phải thật khỏe mạnh, ở những cơ sở uy tín và đảm bảo an toàn cho quá trình vận chuyển.
Môi trường nuôi phải đảm bảo độ pH, nhiệt độ không thay đổi đột ngột, oxy hòa tan và độ mặn phù hợp, nước không quá ô nhiễm, không để dư thừa thức ăn làm dơ ao, bể và làm tích tụ chất hữu cơ dưới nền đáy. Định kỳ phải xử lý nước bằng Iodine Violet để tiêu diệt mầm bệnh và dùng chế phẩm sinh học Sivibac bổ sung các vi sinh vật có lợi cải thiện môi trường, cân bằng sinh học và phát triển nguồn thức ăn tự nhiên trong ao, bể, đồng thời phân hủy những chất thải hữu cơ và khí độc sinh ra như NH3, NO2.
Mật độ nuôi không quá cao, nếu nuôi quá dày ốc sẽ bị mất sức do phải tốn năng lượng cho việc cạnh tranh thức ăn. Trong ao có ốc chết nên vớt ngay và tiêu hủy đúng nơi quy định vì đây là nguồn lây bệnh cho những con ốc còn khỏe mạnh.
Nếu nước ao, bể nuôi trở nên quá đen, nặng hơn là có mùi hôi thì nên chuyển ốc sang ao, bể khác (nếu có điều kiện) hoặc phải thay nước (khoảng 30-50% lượng nước) và tiến hành công tác vệ sinh rồi mới tiếp tục nuôi.
Trong quá trình cho ăn nên bổ sung vitamin C và khoáng chất Kemix cho ốc phát triển tốt, phòng ngừa một số bệnh, hỗ trợ sức khỏe cho ốc vào những lúc thời tiết thay đổi.
Khi ốc mới phát triệu chứng nhẹ nên có những xử lý kịp thời để tránh tình trạng chết hàng loạt, do sự lây lan trong quần thể nuôi sẽ rất nhanh chóng.